7 sai lầm cần tránh khi triển khai facebook ads

Người đăng: Hoàng Trà 245

Facebook Ads sẽ là một trong những hình thức tiếp thị hiệu quả nếu như được triển khai đúng cách. Với mạng lưới hàng tỉ người dùng đa dạng về hành vi, sở thích, độ tuổi, giới tính..., Facebook hiện cung cấp cho doanh nghiệp những tùy chọn quảng cáo khác nhau để có thể tiếp cận tối đa lượng khách hàng tiềm năng.
Để có thể tạo và duy trì một chiến dịch Facebook Ads thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu không quen với những cài đặt chi tiết trong nền tảng này, bạn rất dễ rơi vào “bẫy” Facebook. Dưới đây là một số lỗi mà các doanh nghiệp thường mắc phải khi triển khai Facebook Ads.

1 - ĐẶT MỤC TIÊU KHÔNG RÕ RÀNG

Nhiều doanh nghiệp tạo chiến dịch quảng cáo Facebook mà không đề ra bất kỳ mục tiêu cụ thể nào, điều này khiến bạn không thể theo dõi được hiệu quả của chúng khi chạy. Hơn nữa, bạn đừng mong chờ “phép màu” xảy ra nếu chỉ tạo các bài đăng quảng cáo chung chung. Để tạo một quảng cáo chuyên nghiệp mang lại hiệu quả, bước đầu tiên chính là thiết lập một mục tiêu thật rõ ràng, cụ thể. Ví dụ, nếu doanh nghiệp bạn chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới, hãy đặt mục tiêu Facebook Ads là “tôi sẽ chốt được X đơn”. Nếu chiến dịch Facebook Ads có mục đích hướng lưu lượng truy cập đến trang web của bạn, hãy đặt mục tiêu “tôi sẽ tăng CTR lên X phần trăm”.


Hãy bắt đầu chiến dịch quảng cáo Facebook Ads với một mục tiêu rõ ràng, tốt nhất là hãy đặt ra một con số cụ thể, đo lường được. Từ đó bạn có thể tạo thông điệp chiến dịch mạnh mẽ hơn và nhắm nhiều mục tiêu hơn. Ngoài ra, bạn sẽ biết những chỉ số nào nên tập trung theo dõi và biết chính xác cách xác định thành công khi kết thúc chiến dịch.

2 - CHỌN SAI LOẠI QUẢNG CÁO

Khi đã đặt xong mục tiêu cho chiến dịch của mình, đã đến lúc bạn cần lựa chọn loại quảng cáo phù hợp để hoàn thành mục tiêu đó. Facebook cung cấp cho doanh nghiệp rất nhiều lựa chọn quảng cáo khác nhau tương ứng với các mục tiêu - từ tạo độ phủ sóng cho thương hiệu cho đến tạo nên những chuyển đổi có thể là mua hàng, thêm vào giỏ hàng hay hoàn tất đăng ký...Bên cạnh đó, Facebook cũng thiết kế và gợi ý những tùy chọn vị trí hiển thị quảng cáo khác nhau phù hợp nhất với mục tiêu của bạn.

Ví dụ như loại quảng cáo Page Post Engagement khá phổ biến trên Facebook có mục đích chính tăng tương tác cho bài viết (thích, bình luận, chia sẻ) hay dạng quảng cáo Page Likes mẫu quảng cáo này sẽ gồm một liên kết dẫn thẳng về fanpage và một nút “Thích trang”.

3 - CHỈ SỬ DỤNG MỘT ĐỊNH DẠNG

Mỗi ngày, người sử dụng Facebook tiếp cận với hàng trăm thông tin khác nhau, vì vậy bài post của bạn rất dễ đi vào quên lãng. Đó là lý do những người làm tiếp thị luôn trăn trở để có thể tạo một nội dung quảng cáo cũng như cách thể hiện nội dung đó sao cho thu hút, nổi bật và độc đáo. Facebook cũng đề xuất rằng bạn nên tối ưu nội dung hiển thị trên ảnh (lý tưởng là 20% text ở ảnh). Sử dụng hình ảnh rõ nét, bắt mắt và phù hợp với tông màu thương hiệu, nên thử nghiệm các dạng khác ảnh tĩnh như Gif hay Video để nâng cao hiệu quả quảng cáo.

Điều quan trọng là bạn phải biết kết hợp những dạng này với nhau. Ngay cả khi bạn tạo được một quảng cáo Video Ads hấp dẫn, lôi cuốn thì người xem cũng sẽ cảm thấy nhàm chán sau một thời gian nếu điều này lặp đi lặp lại. Hãy kết hợp định dạng quảng cáo khác nhau từ hình ảnh, video, gif...để người xem thích thú và luôn tò mò với thương hiệu của bạn.

4 - NHẮM SAI MỤC TIÊU

Nhắm mục tiêu quảng cáo Facebook cho phép bạn xác định đúng đối tượng thực sự quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Điều này giúp doanh nghiệp không lãng phí chi tiêu quảng cáo cho những đối tượng không quan tâm và không có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp. Nhắm mục tiêu sao cho chuẩn không phải là một công việc dễ dàng, nếu nhắm đối tượng quá hẹp Facebook sẽ khó có thể phân phối quảng cáo của bạn, ngược lại việc nhắm đối tượng quá rộng sẽ lãng phí ngân sách phân phối quảng cáo đến cả những khách hàng không tiềm năng.

Nhắm sai tệp đối tượng cũng là lỗi nhà tiếp thị thường mắc phải. Thông thường chúng ta rất hay đưa ra những quan điểm dựa trên cảm tính và cho rằng mình thực sự hiểu khách hàng và biết quảng cáo cần nhắm tới ai. Tất cả chỉ là phỏng đoán, bạn cần dành thời gian để phân tích kỹ yếu tố liên quan nhân khẩu học và những hành vi mà tệp khách hàng hiện có của bạn đang thực hiện. Bạn cũng có thể tạo một cuộc khảo sát để nắm rõ hơn insights của khách hàng, từ đó vẽ chân dung tệp khách tiềm năng càng chi tiết càng tốt.

Facebook hiện cung cấp cho bạn những tùy chọn để tạo đối tượng thích hợp cho quảng cáo của mình. Ngoài ra, bằng cách tải lên danh sách khách hàng hiện tại, Facebook có thể phân tích nhóm này để tìm ra những đặc điểm chung, từ đó nhắm mục tiêu Facebook Ads của bạn vào những đối tượng tương tự.

5 - TIẾP CẬN LẶP ĐI LẶP LẠI QUÁ NHIỀU

Facebook rất giỏi trong việc xác định đối tượng muốn xem quảng cáo của bạn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc những người đã quen thuộc với thương hiệu của bạn hay những người đã chuyển đổi lại tiếp tục trở thành mục tiêu Facebook Ads của bạn. Điều này vừa lãng phí thời gian vừa tiêu tốn ngân sách mà không mang lại hiệu quả. Hãy tưởng tượng nếu bạn đã hoàn thành đăng ký để nhận tư vấn sản phẩm, mấy ngày tiếp theo bạn vẫn tiếp tục thấy mẫu quảng cáo đó xuất hiện trên newfeed của mình. Việc này không những chẳng tạo thêm được chuyển đổi nào mà còn gây mất thiện cảm của nhãn hàng.

Để khắc phục nhược điểm này, bạn cần vào mục Đối tượng tùy chỉnh (custom audiences). Hãy tạo danh sách những người đã thấy quảng cáo của bạn hoặc những khách hàng đã chuyển đổi hành động trong quảng cáo, sau đó dùng mục Đối tượng tùy chỉnh để ngăn quảng cáo tiếp tục xuất hiện trên newfeed của họ. Điều này giúp tiết kiệm chi phí quảng cáo đồng thời không làm phiền đến những người đã quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của bạn.

6 - QUẢNG CÁO LỖI THỜI

Ngay cả những quảng cáo Facebook thu hút nhất cũng sẽ trở nên nhàm chán sau vài tuần. Người dùng tiếp cận cả trăm mẫu quảng cáo mỗi ngày vì vậy chẳng có lý do nào để họ phải xem đi xem lại một nội dung quảng cáo nào đó. Đó chính là lý do các nhà tiếp thị phải liên tục làm mới mẫu quảng cáo của mình. Thay đổi hình ảnh, thay đổi văn bản hoặc sáng tạo nội dung hiển thị một cách mới mẻ (bắt theo trend hiện tại) là cách tốt nhất để thu hút sự quan tâm của người xem dành cho thương hiệu của mình.

7 - KHÔNG ĐỂ TÂM ĐẾN FACEBOOK PIXEL

Facebook Pixel là một dòng mã mà bạn chèn vào trang web của mình để theo dõi hành vi của khách hàng thực hiện trên trang web. Nó thu thập dữ liệu giúp bạn có thể theo dõi, đo lường chuyển đổi từ quảng cáo Facebook, tối ưu hóa quảng cáo, xây dựng đối tượng nhắm mục tiêu cho quảng cáo trong tương lai, cũng như tiếp thị lại những khách hàng đã thực hiện một số hành động trên trang web của bạn. Khi xác định điều gì thành công và điều gì không hoạt động hiệu quả trong một chiến dịch nhất định, bạn có thể thực hiện các thay đổi để nâng cao hiệu quả Facebook Ads.

Hãy tận dụng công cụ Facebook Pixel trên website để thiết lập các theo dõi mong muốn, từ đó bạn dễ dàng tối ưu chiến dịch quảng cáo tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và cuối cùng là gia tăng tỷ lệ chuyển đổi 

Nguồn: DC Community (DCC)

Tham khảo thêm nhiều bài viết bổ ích về Facebook ad tại đây 

Để lại ý kiến

Cho chúng tôi và cộng đồng biết quan điểm của bạn